HẬU SẢN THƯỜNG
1. NHỮNG HIỆN TƯỢNG GIẢI PHẪU VÀ SINH LÝ
1.1. Định nghĩa
Khi có thai, các cơ quan sinh dục và vú phát triển dần. Sau khi đẻ, cơ quan sinh dục trở lại tình trạng bình thường như khi không có thai. Thời gian trở lại bình thường của cơ quan sinh dục (trừ vú vẫn phát triển để tiết sữa) về mặt giải phẫu và sinh lý gọi là thời kỳ hậu sản.
Thời kỳ hậu sản về phương diện giải phẫu là 42 ngày kể từ sau khi đẻ, vì ở những người không cho con bú, kinh nguyệt có thể xuất hiện trở lại.
1.2. Thay đổi ở tử cung
1.2.1. Thay đổi ở thân tử cung
Ngay sau khi rau sổ, tử cung co lại thành một khối chắc, đáy tử cung ở ngay dưới rốn. Trọng lượng tử cung lúc đó nặng khoảng 1000g, hết tuần lễ thứ nhất tử cung còn nặng khoảng 500g, đến cuối tuần lễ thứ hai còn khoảng 300g và các ngày sau đó còn nặng 100g. Đến cuối thời kỳ hậu sản, tử cung trở về trọng lượng bình thường như khi chưa có thai (50-60g).
Trên lâm sàng, ta nhận thấy có ba hiện tượng:
- Sự co cứng: Sau sổ rau, tử cung co lại để thực hiện tắc mạch sinh lý. Trên lâm sàng, tử cung co lại thành một khối chắc, gọi là khối an toàn của tử cung. Khối an toàn này tồn tại vài giờ sau khi đẻ.
- Sự co bóp của tử cung: Trong những ngày đầu sau đẻ, tử cung có những cơn co bóp để tống sản dịch ra ngoài. Trên lâm sàng, thỉnh thoảng sản phụ có những cơn đau, và sau mỗi cơn đau, có ít máu cục và sản dịch chảy ra ngoài qua đường âm đạo. Các cơn đau này thường gặp ở người con rạ nhiều hơn so với người đẻ con so.
- Sự co hồi tử cung: Ngay sau khi đẻ, đáy tử cung ở trên khớp vệ khoảng 13 cm. Các ngày sau đó, đáy tử cung thấp dần xuống, trung bình mỗi ngày co hồi được 1 cm; riêng ngày đầu tiên, co nhanh hơn, có thể co được 2-3 cm. Sau 2 tuần lễ, không sờ thấy đáy tử cung trên khớp vệ nữa. Tử cung trở lại trạng thái bình thường về kích thước, trọng lượng và vị trí như khi chưa có thai trong vòng 4 tuần lễ sau đẻ.
1.2.2. Thay đổi ở lớp cơ tử cung
Sau khi đẻ, lớp cơ tử cung dày 4-5 cm, thành trước và thành sau co chặt sát vào nhau, các mạch máu bị bóp nghẹt do cơ tử cung co cứng nên khi cắt lớp cơ tử cung sau đẻ, thấy có biểu hiện thiếu máu, nhợt màu khác với tử cung khi có thai có màu tím do tăng sinh các mạch máu.
Lớp cơ tử cung mỏng dần đi do các sợi cơ nhỏ đi và ngắn lại, một số sợi cơ thoái hóa mỡ và tiêu đi. Các mạch máu cũng co lại do sự co hồi của lớp cơ đan.
1.2.3. Thay đổi ở đoạn dưới tử cung và cổ tử cung
Đoạn dưới tử cung sau đẻ co gập lại như một đàn xếp, dần dần ngắn lại và đến ngày thứ tư sau đẻ thì đoạn dưới hình thành trở lại eo tử cung.
Sau khi đẻ, đoạn dưới và cổ tử cung giãn mỏng và xếp lại. Mép ngoài cổ tử cung (tương ứng với lỗ ngoài cổ tử cung) thường bị rách sang hai bên. Cổ tử cung cũng co nhỏ lại và ngắn dần. Lỗ trong cổ tử cung đóng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 sau đẻ, ống cổ tử cung được tái lập lại như khi chưa có thai. Lỗ ngoài cổ tử cung đóng lại chậm hơn, vào khoảng ngày thứ 12-13 sau đẻ. Tuy nhiên, ống cổ tử cung không còn hình trụ nữa mà thường là hình nón, đáy ở dưới vì lỗ ngoài cổ tử cung đã bị biến dạng từ hình tròn trở thành hình dẹt và thường hé mở.
1.2.4. Thay đổi ở phúc mạc và thành bụng
Vì cơ tử cung co rút và co hồi nhỏ dần lại sau đẻ, phúc mạc phủ trên tử cung cũng co lại, tạo thành các nếp nhăn. Các nếp nhăn này mất đi nhanh chóng do phúc mạc co lại và teo đi.
Ở thành bụng, các vết rạn da vẫn còn tồn tại. Các cơ thành bụng cũng co dần lại. Các cân, đặc biệt là cân cơ thẳng to cũng co dần lại, nhưng thành bụng vẫn nhão hơn so với khi chưa có thai, đặc biệt là ở những người đẻ nhiều lần, đẻ thai to, đa thai, đa ối…
1.2.5. Thay đổi ở niêm mạc tử cung
Rau bong ở lớp xốp, khi sổ ra ngoài rau mang theo lớp đặc của ngoại sản mạc. Lớp màng rụng nền (basal decidua) vẫn còn nguyên vẹn và sẽ phát triển phục hồi lại niêm mạc tử cung.
- Vùng rau bám: Lớp cơ tử cung ở chỗ rau bám mỏng hơn các nơi khác. Khi kiểm soát tử cung, thấy vùng này lõm vào, sần sùi vì sau khi sổ rau, tử cung co lại tạo thành khối an toàn, các hồ huyết và mạch máu tắc lại, các huyết cục phồng lên như những nấm nhỏ. Ngay sau khi đẻ, vị trí rau bám có kích thước bằng lòng bàn tay, nhưng nó thu nhỏ lại rất nhanh. Cuối tuần lễ thứ hai, nó chỉ còn 3-4 cm đường kính. Sự phục hồi hoàn toàn niêm mạc tử cung ở vị trí rau bám có thể kéo dài tới 6 tuần lễ.
- Vùng màng rau bám không có tắc huyết: Ở vùng rau bám không có tắc huyết nên sờ thấy nhẵn.
Sau đẻ, niêm mạc tử cung sẽ trải qua hai giai đoạn để trở lại có chức phận của niêm mạc tử cung bình thường.
- Giai đoạn thoái triển: Xảy ra trong 14 ngày đầu sau đẻ. Trong 2-3 ngày đầu sau đẻ, lớp màng rụng còn lại sẽ biệt hóa thành hai lớp. Lớp bề mặt (các ống tuyến, sản bào…) bị hoại tử và thoát ra ngoài cùng sản dịch. Lớp đáy gồm đáy tuyến vẫn còn nguyên vẹn và là nguồn gốc của niêm mạc tử cung mới.
- Giai đoạn phát triển: Các tế bào trụ trong đáy các tuyến phát triển và phân bào dưới ảnh hưởng của estrogen và progesteron. Sau 6 tuần lễ sau đẻ, niêm mạc tử cung được phục hồi hoàn toàn và sẽ thực hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi đẻ nếu như không cho con bú.
1.3. Thay đổi ở các phần phụ, âm đạo và âm hộ
Buồng trứng, vòi trứng, dây chằng tròn, và dây chằng rộng dần trở lại bình thường về chiều dài, hướng và vị trí.
Âm hộ và âm đạo, sau khi bị giãn căng trong khi đẻ, sẽ co dần lại và trở về vị trí bình thường sau 15 ngày.
Riêng màng trinh, sau khi đẻ bị rách, chỉ còn di tích của rìa màng trinh.
1.4. Thay đổi ở hệ tiết niệu
Sau khi đẻ, không chỉ thành bàng quang bị phù và xung huyết mà cả hiện tượng xung huyết ở dưới niêm mạc bàng quang cũng diễn ra. Bàng quang có hiện tượng tăng dung tích và mất nhạy cảm tương đối với áp lực của lượng nước tiểu trong bàng quang. Do đó, cần theo dõi hiện tượng bí đái hoặc đái sót nước tiểu sau đẻ. Tác dụng gây liệt cơ của thuốc mê, đặc biệt là gây tê tuỷ sống, và rối loạn chức năng thần kinh tạm thời của bàng quang là các yếu tố góp phần thêm vào.
Đọng nước tiểu và vi khuẩn niệu ở bàng quang bị chấn thương, cộng thêm với bể thận và niệu quản bị giãn, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng đường tiết niệu sau đẻ phát triển. Bể thận và niệu quản bị giãn sẽ trở lại trạng thái bình thường từ 2 đến 8 tuần sau đẻ.
1.5. Thay đổi ở vú
Ngược lại với cơ quan sinh dục, vú sau đẻ phát triển nhanh, căng lên, to và cứng chắc. Núm vú to và dài ra, các tĩnh mạch dưới da vú nổi lên rõ rệt. Các tuyến sữa phát triển lớn hơn, có thể cảm nhận rõ, đôi khi lan tới tận nách. Lúc này, vú sẽ tiết ra sữa, được gọi là hiện tượng “xuống sữa.” Hiện tượng này thường xảy ra sau đẻ 2-3 ngày. Cơ chế của hiện tượng xuống sữa là do nồng độ estrogen giảm đột ngột, dẫn đến giải phóng prolactin và tác động lên tuyến sữa gây ra sự tiết sữa.
Sự tiết sữa được duy trì bởi động tác mút đầu vú, kích thích thuỳ trước tuyến yên, do đó prolactin được tiết ra liên tục. Đồng thời, do tác dụng của động tác mút vú, thuỳ sau tuyến yên tiết ra oxytoxin, làm cạn sữa ở tuyến bài tiết sữa.
2. NHỮNG HIỆN TƯỢNG LÂM SÀNG
2.1. Sự co hồi tử cung
Sau đẻ, tử cung co lại cao trên khớp mu khoảng 13 cm, ở dưới rốn hai khoát ngón tay. Trung bình mỗi ngày tử cung hồi lại 1 cm; riêng ngày đầu, co hồi nhanh hơn, có thể lên tới 2-3 cm. Đến ngày thứ 12-13, không nắn thấy đáy tử cung trên khớp vệ nữa.
Trong tử cung vẫn còn máu cục và sản dịch, thỉnh thoảng có những cơn co bóp mạnh để tống máu cục và sản dịch ra ngoài, gây ra những cơn đau gọi là cơn đau tử cung. Ở người con so, thường ít gặp cơn đau này vì chất lượng cơ tử cung còn tốt. Các cơn đau tử cung thường gặp ở người đã sinh nhiều lần, mức độ đau khác nhau tùy theo cảm giác của từng người, nhưng càng sinh nhiều lần thì càng đau vì chất lượng cơ tử cung yếu dần. Đôi khi, các cơn đau tử cung này cần phải dùng thuốc giảm đau do cường độ quá mạnh. Ở một số sản phụ, các cơn đau này có thể kéo dài nhiều ngày. Cơn đau tử cung đặc biệt cũng có thể xảy ra khi cho trẻ bú do oxytoxin được giải phóng ra nhiều. Thông thường, các cơn đau sẽ giảm dần về cường độ và sản phụ cảm thấy dễ chịu vào ngày thứ ba sau đẻ.
Trong những ngày sau đẻ, cần theo dõi sự co hồi tử cung bằng cách đo chiều cao tử cung, tính từ khớp mu tới đáy tử cung hàng ngày. Sự co hồi tử cung phụ thuộc vào:
- Ở người con so, tử cung co hồi nhanh hơn so với người đã sinh.
- Tử cung ở người đẻ thường co nhanh hơn so với người mổ đẻ.
- Những người cho con bú sẽ có tử cung co nhanh hơn người không cho con bú.
- Tử cung bị nhiễm khuẩn sẽ co hồi chậm hơn tử cung không bị nhiễm trùng.
- Trường hợp bí đái, táo bón sau đẻ, tử cung sẽ bị đẩy lên cao và co hồi chậm.
Trên lâm sàng, nếu thấy tử cung co hồi chậm, sốt, tử cung còn to và đau, sản dịch hôi, cần nghĩ tới nhiễm khuẩn hậu sản.
2.2. Sản dịch
Sản dịch là dịch từ tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu của thời kỳ hậu sản.
- Cấu tạo: Sản dịch được cấu tạo bởi máu cục và máu loãng chảy từ niêm mạc tử cung, đặc biệt từ vùng rau bám, các mảnh ngoại sản mạc, các sản bào, và các tế bào biểu mô ở cổ tử cung và âm đạo bị thoái hoá và bong ra.
- Tính chất: Trong ba ngày đầu, sản dịch gồm toàn máu loãng và máu cục nhỏ nên có màu đỏ sẫm. Từ ngày thứ tư đến ngày thứ tám, sản dịch loãng hơn, chỉ còn là chất nhầy có lẫn ít máu nên có màu lờ lờ máu cá. Từ ngày thứ 9 trở đi, sản dịch không còn màu, chỉ còn là dịch trong.
Bình thường, sản dịch không bao giờ có mùi. Tuy nhiên, sau khi chảy qua âm đạo, âm hộ, sản dịch mất tính chất vô khuẩn và có thể bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn…
- Mùi: Sản dịch có mùi tanh nồng, độ pH kiềm. Nếu bị nhiễm khuẩn, sản dịch sẽ có mùi hôi.
- Khối lượng: Khối lượng sản dịch thay đổi tùy theo người. Trong 10 ngày đầu, trung bình sản dịch có thể ra tới 1500 g, đặc biệt vào ngày thứ nhất và thứ hai có thể lên tới 1000 g. Những ngày sau, sản dịch sẽ giảm dần. Sau 2 tuần lễ, sản dịch sẽ hết hẳn.
Ở người con so và người cho con bú, sản dịch sẽ hết nhanh hơn vì tử cung co hồi nhanh hơn. Ngược lại, ở người mổ đẻ, sản dịch thường ít hơn so với người đẻ thường.
Nếu sản dịch ra nhiều, kéo dài hoặc đã hết huyết đỏ sẫm, lại ra máu tái lại, cần theo dõi hiện tượng sót rau sau đẻ.
Trên lâm sàng, 3 tuần lễ sau đẻ ở một số sản phụ có thể ra một ít máu qua đường âm đạo, đó là hiện tượng thấy kinh non do niêm mạc tử cung phục hồi sớm.
2.3. Sự xuống sữa
Trong thời kỳ có thai có thể đã có sữa non. Sau đẻ một vài ngày, đối với con Tạ là ngày thứ 2-3, đối với con so là ngày thứ 3-4, dưới tác dụng của prolactin, hai vú sẽ căng to và tiết sữa, đó là hiện tượng xuống sữa. Khi xuống sữa, sản phụ thấy người khó chịu, sốt nhẹ (<3°C), hai vú căng tức và rắn chắc, mạch hơi nhanh. Các hiện tượng này mất đi sau khi sữa được tiết ra. Nếu sau khi sữa đã xuống rồi mà vẫn còn sốt phải đề phòng nhiễm khuẩn ở tử cung hay ở vú.
Sữa non được tiết ra trong ba ngày đầu sau đẻ, có màu vàng chanh, chứa nhiều muối khoáng và protein (globulin và kháng thể), ít đường và mỡ. Sữa non phù hợp với sự tiêu hoá của sơ sinh trong những ngày đầu. Về sau, sữa tiết ra sẽ đặc hơn, ngọt hơn, đó là sữa mẹ bình thường.
2.4. Các hiện tượng khác
- Cơn rét run: Ngay sau khi đẻ, sản phụ có thể lên cơn rét run, đó là cơn rét run sinh lý. Đặc điểm cơn rét run sinh lý là mạch, nhiệt độ, huyết áp vẫn bình thường. Cần phân biệt cơn rét run sinh lý với rét run do choáng mất máu. Trong choáng mất máu, ngoài triệu chứng rét run còn có các thay đổi về mạch, huyết áp, vã mồ hôi, các chỉ lạnh.
- Bí đại, tiểu tiện: Sau đẻ, sản phụ có thể bị bí đại, tiểu tiện do nhu động của ruột bị giảm, do chuyển dạ kéo dài, ngôi thai đè vào bàng quang.
- Các hiện tượng khác về toàn thân:
- Mạch thường chậm lại 10 nhịp/phút và tồn tại 5-6 ngày sau đẻ.
- Nhiệt độ có thể vẫn bình thường, không thay đổi.
- Huyết áp trở lại bình thường sau đẻ 5-6 giờ.
- Nhịp thở chậm lại và thở sâu hơn do cơ hoành không bị đẩy lên cao nữa.
- Máu: Những ngày đầu sau đẻ, hemoglobin, hematocrit, hồng cầu hơi giảm so với trước khi chuyển dạ đẻ do lượng máu mất trong chuyển dạ đẻ. Sau một tuần lễ, khối lượng máu trở lại gần bằng trước khi có thai. Cung lượng tim còn tăng cao ít nhất 48 giờ sau đẻ. Sau 2 tuần lễ, các thay đổi này trở lại các giá trị bình thường.
- Số lượng bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu hạt, tăng lên sau đẻ. Fibrinogen và tốc độ lắng máu còn cao ít nhất 1 tuần lễ sau khi đẻ.
- Trọng lượng cơ thể: Sau đẻ, sản phụ có thể sụt 3 đến 5 kg do sự bài tiết mồ hôi, nước tiểu, sản dịch.
Nếu không cho con bú, 6 tuần lễ sau đẻ có thể có kinh lại lần đầu tiên và đó cũng là dấu hiệu chấm dứt thời kỳ hậu sản. Kỳ kinh nguyệt đầu thường nhiều và kéo dài hơn các kỳ kinh bình thường.
3. CHĂM SÓC HẬU SẢN THƯỜNG
3.1. Chăm sóc ngay sau khi đẻ
Trong 2 giờ đầu ngay sau khi đẻ cần theo dõi tình trạng toàn thân của sản phụ để phát hiện sớm tình trạng choáng sản khoa hoặc choáng mất máu. Theo dõi mạch, đo huyết áp, xoa đáy tử cung qua thành bụng để xác định khối an toàn của tử cung sau đẻ, đánh giá lượng máu chảy ra ngoài qua âm đạo 15 phút một lần ít nhất trong thời gian 1 giờ sau đẻ.
Cần phát hiện và xử trí sớm đờ tử cung và chảy máu sau đẻ. Ngay sau khi đẻ, tử cung co chặt lại, day tử cung ở dưới rốn để tạo thành khối an toàn tử cung. Nếu khám thấy mất khối an toàn, tử cung mềm, nhão hoặc tử cung to ra, đáy tử cung cao dần lên trên rốn là có máu chảy đọng lại trong buồng tử cung.
Cần đánh giá lượng máu chảy sau đẻ. Nguyên nhân chảy máu sau đẻ có thể do sót rau, đờ tử cung hoặc chấn thương đường sinh dục. Máu có thể chảy ra ngoài qua đường âm đạo hoặc đọng lại trong buồng tử cung mà không chảy ra ngoài.
3.2. Chăm sóc về tinh thần
Cuộc đẻ là một biến động lớn về giải phẫu và sinh lý, đồng thời cũng là một biến động về mặt tình cảm, cuộc sống của người phụ nữ. Vì vậy, cần chú ý chăm sóc động viên sản phụ, giải thích cho sản phụ yên tâm, không lo lắng sau cuộc đẻ nhất là ở những cuộc đẻ không phù hợp với ý muốn của sản phụ.
3.3. Bảo đảm các điều kiện vệ sinh tốt cho sản phụ
Buồng nằm sau đẻ phải sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, đủ ấm về mùa đông, đủ ánh sáng.
Phải có buồng điều trị cách ly cho các sản phụ bị những bệnh nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm để tránh sự lây lan chéo bệnh giữa các sản phụ.
Có nhân viên phục vụ riêng.
Hạn chế sự thăm hỏi của thân nhân để sản phụ được nghỉ ngơi và để tránh mang bệnh đến cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
3.4. Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp
Trong 6 giờ đầu phải được theo dõi sát từng giờ về mạch và huyết áp.
Các ngày sau theo dõi mạch, nhiệt độ hàng ngày để phát hiện sớm các triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản.
3.5. Theo dõi sự co hồi tử cung
Hàng ngày đo chiều cao tử cung trên khớp vệ và sờ nắn tử cung để đánh giá:
- Tử cung co hồi tốt hay xấu.
- Mật độ tử cung chắc hay mềm.
- Di động tử cung hay sờ nắn tử cung có đau hay không đau.
Nếu tử cung co hồi chậm, mật độ mềm, ấn đau là tử cung bị nhiễm khuẩn, cần được điều trị sớm.
3.6. Theo dõi sản dịch
Hàng ngày theo dõi sản dịch bằng cách xem khố của sản phụ để đánh giá.
- Số lượng sản dịch nhiều hay ít.
- Có bị bế sản dịch sau đẻ không (không có sản dịch).
- Màu sắc sản dịch.
- Mùi sản dịch không hôi, nếu có mùi hôi là có sự nhiễm khuẩn ở tử cung.
3.7. Làm thuốc ngoài
- Rửa sạch vùng âm hộ, tầng sinh môn và hậu môn cho sản phụ mỗi ngày ít nhất hai lần, bằng nước chín hoặc dung dịch sát trùng nhẹ (Betadine) sau đó thay khố vô khuẩn. Không được thụt rửa âm đạo vì cổ tử cung trong những ngày đầu sau đẻ chưa đóng lại, nước có thể qua cổ tử cung vào buồng tử cung gây nhiễm trùng ngược dòng.
Đối với các trường hợp có rách hoặc cắt, khâu tầng sinh môn, sau khi làm thuốc phải thấm khô, đóng khố sạch.
Chú ý kỹ thuật làm thuốc ngoài chỉ rửa từ phía âm hộ xuống hậu môn chứ không được làm ngược lại.
3.8. Theo dõi đại, tiểu tiện
Sau đẻ, sản phụ dễ bị bí đái và táo bón do tình trạng giảm nhu động ruột và liệt cơ bàng quang. Nếu sau đẻ 12 giờ mà sản phụ không tự đái được mặc dù đã điều trị nội khoa như xoa vùng bàng quang, chườm nóng, châm cứu… thì phải thông bàng quang, sau đó bơm vào bàng quang 5-10 ml dung dịch glycerin borat 5% để kích thích sự co bóp của bàng quang. Nếu vẫn chưa tự đái được thì các ngày sau phải rửa bàng quang, sau đó bơm glycerin borat vào cho đến khi nào tự đái được.
Nếu sản phụ bị táo bón, cần cho thuốc nhuận tràng, uống dầu paraffin 20g. Sau 3 ngày không đi ngoài, phải thụt tháo phân cho sản phụ hoặc bơm Microlax vào trực tràng.
Chú ý đối với các sản phụ sau đẻ không được dùng các thuốc tẩy mạnh.
3.9. Chăm sóc vú
Cần giữ cho đầu vú và vú sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.
Khuyên sản phụ cho con bú sớm ngay sau khi đẻ (sau 30 phút) để kích thích tiết sữa và làm cho tử cung co hồi tốt hơn.
Nếu có hiện tượng tắc tia sữa, cần phải day, vắt sữa hoặc hút sữa để đề phòng tắc tia sữa dẫn đến áp xe vú.
Nếu có nứt kẽ đầu vú, phải cho trẻ ngừng bú bên vú đó, rửa sạch đầu vú, thấm khô, bôi glycerin borat 5%. Nếu đầu vú bị tụt vào trong, cần dùng máy hút sữa để hút cho đầu vú lộ ra ngoài.
3.10. Xử trí các cơn đau
Không cần điều trị gì trong các trường hợp đau ít. Nếu đau nhiều, có thể cho dùng các thuốc giảm đau thông thường (Seda, Analgin…) hoặc chườm nóng vùng dưới rốn.
3.11. Tắm rửa
Ngày thứ 2 sau đẻ, lau mình bằng nước ấm. Có thể tắm vào ngày thứ 3 sau đẻ bằng cách dội nước. Chú ý không tắm ở nơi gió lùa hoặc tắm ngâm mình trong nước (bồn tắm, chậu, bể nước…) vì trong thời kỳ hậu sản, cổ tử cung còn mở.
3.12. Vấn đề giao hợp
Cần tránh trong thời kỳ hậu sản vì dễ gây nhiễm khuẩn.
3.13. Chế độ ăn, mặc, vận động
Chế độ ăn: Ăn đủ chất đạm, lipid, glucid, muối khoáng và vitamin để nuôi dưỡng cơ thể, đủ sữa cho con bú. Kiêng các chất kích thích như rượu, chè, cà phê, thuốc lá…
Đảm bảo chế độ ngủ đầy đủ để nhanh chóng phục hồi sức khoẻ sau đẻ và đủ sữa nuôi con.
Chế độ mặc: Quần áo mặc rộng rãi, sạch sẽ, không nên mặc quần áo quá chật.
Chế độ vận động: Trong 24 giờ đầu, cho sản phụ nằm bất động sau đẻ từ 6-8 giờ, sau đó nằm nghỉ tại giường nhưng có thể co duỗi chân tay, trở mình. Sau 24 giờ, cho sản phụ ngồi dậy, đi lại quanh giường. Nên tập thể dục nhẹ nhàng để tránh táo bón, giúp ăn ngon miệng và làm cho các cơ thành bụng chóng hồi phụ trở lại bình thường. Một tuần lễ sau đẻ có thể làm những việc nhẹ nhàng.
Cần tránh lao động nặng, đặc biệt là gánh gồng, mang xách nặng trong thời kỳ hậu sản để khỏi gây ra sa sinh dục.
CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC
Viêm phổi là gì và làm thế nào để ngăn ngừa nó?
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, gây viêm ở phổi [...]
Tiểu đường tuýp 2 là gì và làm thế nào để quản lý nó hiệu quả?
Tiểu đường tuýp 2 là tình trạng cơ thể không thể sử dụng hiệu quả [...]
Làm thế nào để nhận biết và điều trị bệnh tăng huyết áp?
Tăng huyết áp (huyết áp cao) là một tình trạng phổ biến nhưng thường không [...]
Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì và làm thế nào để quản lý triệu chứng?
Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn dịch, dẫn đến viêm [...]
Triệu chứng của bệnh hen suyễn là gì và làm thế nào để kiểm soát bệnh?
Bệnh Hen suyễn là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến đường hô hấp, [...]
Cách nào để phát hiện sớm bệnh ung thư?
Phát hiện sớm bệnh ung thư có thể giúp tăng cơ hội điều trị hiệu [...]
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì và làm thế nào để quản lý nó?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mãn tính, ảnh [...]
Làm thế nào để xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm bị [...]
Có cần tiêm phòng cúm hàng năm không?
Tiêm phòng cúm hàng năm là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả [...]
Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng acid dạ dày trào [...]
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tim mạch?
Bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua các biện pháp sau: Chế [...]
Bệnh tiểu đường là gì và có những loại nào?
Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường) là một bệnh lý chuyển hóa mạn tính, đặc [...]
Nhiễm Độc Thai Nghén
Các triệu chứng này thường giảm hoặc biến mất sau khi sinh và được gọi [...]
Thai chết lưu trong tử cung
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây ra tình trạng này khó xác định. Thai [...]
Vỡ Tử Cung
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa, rất nguy hiểm cho thai và [...]
SUY THAI CẤP TÍNH TRONG CHUYỂN DẠ
Suy thai cấp tính là một tình trạng đe dọa sinh mạng thai, sức khỏe [...]