SỰ TIẾT SỮA

Sữa mẹ là nguồn thức ăn quý giá nhất đối với trẻ em, không một loại sữa nhân tạo nào có thể thay thế được sữa mẹ.

1 SINH LÝ SỰ TIẾT SỮA

1.1. Tuyến vú lúc dậy thì

Mầm tuyến vú đầu tiên xuất hiện ở bào thai không chịu ảnh hưởng của hormon, cho đến lúc dậy thì, tuyến vú là mạng ống thưa thớt nối với núm vú. Đến khi dậy thì, dưới sự ảnh hưởng của các hormon buồng trứng, mạng ống tăng sinh, phân nhánh vào tổ chức mỡ, ở cực đầu của ống xuất hiện các nụ nhỏ sẽ là nguồn gốc của tổ chức chế tiết.

1.2. Trong môi chu kỳ kinh nguyệt

  • Ở giai đoạn tăng sinh, dưới ảnh hưởng của estradiol, các tế bào cơ-biểu mô bao quanh cực đầu của ống dẫn sữa tăng sinh. Tổ chức liên kết giữ nước.
  • Ở giai đoạn chế tiết: progesteron làm biệt hóa cực đầu của ống dẫn sữa, làm ngừng sự tăng sinh của tế bào.

1.3. Khi có thai, tuyến vú đạt được sự phát triển hoàn chỉnh

  • Nhu mô tuyến vú tăng sinh. Các nụ biểu mô biến đổi thành các tiểu thuỳ, tế bào trụ chế tiết được bao quanh bởi lớp tế bào cơ-biểu mô. Các ống dẫn sữa dài và phân nhánh. Các mạch máu tăng sinh.
  • Nguồn gốc của sự phát triển này là do ảnh hưởng của các hormon. Estrogen và progesteron của bánh rau giữ vai trò cơ bản. Estrogen làm phát triển ống dẫn sữa, làm cho các tiểu thuỳ nhạy cảm với các hormon khác. Progesteron làm phát triển các tiểu thuỳ.
  • Hiện tượng chế tiết bắt đầu ngay từ tháng thứ 3, tạo ra sữa non. Sữa non giàu protein, lactose và globulin miễn dịch. Sữa non tồn tại cho đến lúc xuống sữa, tức là sau đẻ vài ngày. Trong những giờ sau đẻ, trẻ bú sữa non. Chính sữa non đã giúp cho trẻ khỏi bị hạ đường huyết, khỏi bị nhiễm trùng và có những vai trò sinh lý nhất định lên ống tiêu hoá.
  • Cuối thời kỳ thai nghén, dưới ảnh hưởng của estrogen và progesteron, tuyến vú đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng hoạt động. Trong khi có thai, tuyến vú chưa thực sự hoạt động vì progesteron ức chế prolactin, sự ức chế này xảy ra ngay tại tuyến yên và tuyến vú.
  • Sự xuống sữa xuất hiện sau đẻ từ 3-4 ngày ở con so, 2-3 ngày ở con dạ. Hiện tượng xuống sữa là do nồng độ prolactin trong máu tăng đột ngột và kéo theo tổng hợp nhiều sữa.
  • Ban đầu, sự tiết sữa được duy trì bằng động tác mút vào núm vú. Động tác mút theo đường phản xạ thần kinh kích thích vùng dưới đồi giải phóng prolactin. Mỗi khi bú, nồng độ prolactin trong máu đạt đỉnh cao. Sau này, sự tiết sữa được duy trì bằng hiện tượng hết sữa trong các tiểu thuỳ mỗi khi cho trẻ bú. Các tiểu thuỳ chỉ sản xuất sữa khi sữa trong tiểu thuỳ được lấy hết đi. Tới lúc này, nồng độ prolactin trong máu giảm dần về mức bình thường như trong chu kỳ kinh nguyệt. Sự chế tiết các hormon hướng sinh dục xuất hiện lại dần dần và hiện tượng kinh nguyệt trở lại. Người ta thấy rằng ở những phụ nữ cho con bú kéo dài hai năm hay hơn thì:
  • Sau 1 năm, 80% số phụ nữ này vẫn chưa có kinh trở lại.
  • Sau 2 năm, vẫn còn 20% số phụ nữ chưa có kinh trở lại.
  • Mỗi khi trẻ mút vào núm vú, sẽ xuất hiện phản xạ thần kinh dẫn tới thuỳ sau của tuyến yên và làm giải phóng oxytoxin. Chính oxytoxin đã làm co tế bào cơ-biểu mô ở các ống dẫn sữa và tống sữa ra ngoài. Oxytoxin còn được giải phóng mỗi khi người mẹ nhìn thấy đứa trẻ hay nghe tiếng trẻ khóc (phản xạ có điều kiện). Bên cạnh đó, oxytoxin còn làm tử cung co bóp.

2 CHO BÚ

Người ta luôn khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ vì nhiều lý do:

  • Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ em, đặc biệt là sữa non trong những ngày đầu.
  • Cho con bú là cơ sở để nảy nở tình cảm mẹ con, tạo ra sự âu yếm, quấn quít mẹ con.
  • Cho con bú sữa mẹ cũng là một phương pháp tránh thai trong những tháng đầu sau đẻ.

2.1. Bắt đầu cho con bú khi nào?

Cho con bú càng sớm càng tốt. Người mẹ có thể cho con bú ngay sau khi đẻ. Cho con bú có thể chậm hơn nếu tình trạng sức khoẻ của người mẹ hay của trẻ chưa thật tốt (người mẹ phải mổ lấy thai, trẻ đang được hồi sức tích cực…). Cho bú sớm đã giúp cho trẻ sử dụng được sữa non, là thứ sữa rất phù hợp sinh lý với trẻ. Ngoài ra, động tác bú đã kích thích tuyến vú chế tiết sữa nhanh và nhiều. Cho bú sớm là thời điểm người mẹ tiếp xúc với con hết sức thuận lợi về mặt tâm lý. Cho bú sớm còn giúp tử cung co tốt, hạn chế băng huyết.

2.2. Số lần cho bú

Chính đứa trẻ điều chỉnh số lần cho bú trong một ngày. Trong những ngày đầu, số lần cho bú nhiều hơn, từ 7 đến 9 lần. Cho đứa trẻ bú cả hai vú, mỗi lần cho bú không nên quá 15 phút. Các lần cho bú cách nhau từ 2 đến 3 giờ, nhưng tốt nhất cho bú mỗi khi trẻ đòi bú. Không cần đánh thức trẻ để cho bú theo những giờ nhất định, cũng không nên cho trẻ bú mau quá. Sau vài ngày, chính cảm giác đói của đứa trẻ tự điều hòa số lần bú và khoảng cách các lần bú. Người ta tránh cho trẻ bú đêm để tạo điều kiện cho người mẹ được nghỉ ngơi. Để kiểm tra xem trẻ bú có đủ hay không, người ta sẽ cân đứa trẻ. Mỗi ngày cân một lần là đủ. Nếu thấy cân nặng của trẻ tăng lên đều đặn là bằng chứng trẻ đã được nuôi dưỡng tốt, bú đầy đủ.

2.3. Một số quy tắc vệ sinh áp dụng cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ

  • Vệ sinh tại chỗ: hàng ngày phải rửa vú bằng xà phòng, rửa tay trước khi cho bú, rửa sạch đầu vú bằng nước chín để nguội trước và sau khi cho bú. Cần vắt bỏ vài giọt sữa trước khi cho bú. Sau khi cho bú, các đầu vú cần được bảo vệ, được che bằng miếng vải xô khô, sạch. Không nên dùng các áo nịt vú bằng nilon, sợi tổng hợp vì có thể gây loét đầu vú.
  • Tư thế cho con bú: người mẹ có thể cho con bú ở tư thế ngồi hay tư thế nằm. Khi cho bú, phải cho trẻ ngậm kín quầng vú.
  • Chế độ ăn cho người mẹ: nhu cầu năng lượng tăng 25% so với lúc bình thường, khoảng 500 calo. Lưu ý cho bà mẹ uống nhiều nước, ăn thêm protein (thịt, cá, trứng, sữa…). Bên cạnh đó, nên cho bà mẹ sử dụng thêm canxi và sắt. Bà mẹ nên ăn thành nhiều bữa trong ngày. Không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê, thuốc lá…

2.4. Những trường hợp không được cho con bú

Không có nhiều chống chỉ định cho con bú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau, người mẹ không nên cho con bú:

  • Bệnh tim: Những người có bệnh lý tim mạch nặng có thể gặp khó khăn trong việc cho con bú và cần có sự tư vấn từ bác sĩ.
  • Bệnh lao đang tiến triển: Bệnh lao có thể lây lan qua đường hô hấp, và người mẹ cần phải điều trị triệt để trước khi cho con bú.
  • Nhiễm HIV: Người mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú vì nguy cơ lây truyền virus sang trẻ.
  • Bệnh tâm thần: Nếu người mẹ không có khả năng chăm sóc con do các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, việc cho con bú có thể không an toàn.

3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ HAY GẶP KHI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

3.1. Đau rát ở núm vú

Núm vú rất nhạy cảm với kích thích và có thể đau khi trẻ bú, đặc biệt trong những lần đầu. Hiện tượng này thường giảm dần sau vài ngày. Người mẹ không cần can thiệp gì đặc biệt ngoài việc nhẹ nhàng xoa bóp núm vú để làm dịu cơn đau. Nếu cơn đau kéo dài có thể dẫn đến việc người mẹ sợ hãi mỗi khi cho con bú.

3.2. Tụt núm vú

Tụt núm vú không cản trở việc cho con bú vì trẻ vẫn có thể bú bình thường bằng cách ngậm cả quầng vú. Nếu vẫn khó khăn, người mẹ có thể vắt một ít sữa và kéo núm vú ra trước khi cho trẻ bú.

3.3. Vú tự chảy sữa khi không cho bú

Hiện tượng vú tự chảy sữa thường gặp trong những tuần đầu. Không cần xử trí gì đặc biệt, chỉ cần đặt một miếng bông vào đầu vú để thấm sữa chảy ra.

3.4. Ít sữa

Ít sữa nguyên phát là hiếm gặp, thường liên quan đến tổn thương vùng dưới đồi hoặc tuyến yên. Ít sữa thứ phát thường gặp hơn, có thể do mệt mỏi hoặc thay đổi thói quen sống. Cần giải thích và động viên mẹ, khuyến khích cho con bú thường xuyên hơn và tránh chuyển sang bú bình.

3.5. Nứt đầu vú

Nứt đầu vú thường xảy ra trong hai tuần đầu và khoảng 25% phụ nữ cho con bú gặp phải. Điều trị bao gồm để vú tiếp xúc với không khí, sử dụng mỡ chứa vitamin A và E, và tạm ngừng cho bú bên bị đau.

3.6. Cương vú

Cương vú thường gặp trong tuần đầu tiên, có thể gây ra đau đớn. Cần tiếp tục cho trẻ bú, massage vú và có thể sử dụng oxytoxin để giảm triệu chứng.

3.7. Viêm bạch mạch vú

Viêm bạch mạch vú thường xảy ra khi không điều trị tốt nứt đầu vú và cương vú. Triệu chứng bao gồm sốt cao và đau vú. Cần nghỉ ngơi, chườm nóng, và tăng cường cho trẻ bú.

3.8. Viêm ống dẫn sữa

Viêm ống dẫn sữa xảy ra sau cương vú và viêm bạch mạch. Người bệnh có thể có sốt cao và cảm giác đau ở vú. Điều trị bao gồm nghỉ ngơi và sử dụng kháng sinh.

3.9. Áp xe vú

Áp xe vú là biến chứng nghiêm trọng từ viêm ống dẫn sữa chưa được điều trị. Cần chích dẫn lưu mủ và không cho trẻ bú trong thời gian này.

4. CAI SỮA

Nên cho bú kéo dài từ 18-24 tháng. Lúc này trẻ đã ăn thêm nhiều thức ăn khác. Số lần cho bú giảm dần đi. Giảm số lần cho bú cho đến lúc ngừng hẳn cho bú sẽ làm cạn sữa.

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Viêm phổi là gì và làm thế nào để ngăn ngừa nó?

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, gây viêm ở phổi [...]

Tiểu đường tuýp 2 là gì và làm thế nào để quản lý nó hiệu quả?

Tiểu đường tuýp 2 là tình trạng cơ thể không thể sử dụng hiệu quả [...]

Làm thế nào để nhận biết và điều trị bệnh tăng huyết áp?

Tăng huyết áp (huyết áp cao) là một tình trạng phổ biến nhưng thường không [...]

Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì và làm thế nào để quản lý triệu chứng?

Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn dịch, dẫn đến viêm [...]

Triệu chứng của bệnh hen suyễn là gì và làm thế nào để kiểm soát bệnh?

Bệnh Hen suyễn là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến đường hô hấp, [...]

Cách nào để phát hiện sớm bệnh ung thư?

Phát hiện sớm bệnh ung thư có thể giúp tăng cơ hội điều trị hiệu [...]

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì và làm thế nào để quản lý nó?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mãn tính, ảnh [...]

Làm thế nào để xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm bị [...]

Có cần tiêm phòng cúm hàng năm không?

Tiêm phòng cúm hàng năm là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả [...]

Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng acid dạ dày trào [...]

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tim mạch?

Bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua các biện pháp sau: Chế [...]

Bệnh tiểu đường là gì và có những loại nào?

Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường) là một bệnh lý chuyển hóa mạn tính, đặc [...]

Nhiễm Độc Thai Nghén

Các triệu chứng này thường giảm hoặc biến mất sau khi sinh và được gọi [...]

Thai chết lưu trong tử cung

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây ra tình trạng này khó xác định. Thai [...]

Vỡ Tử Cung

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa, rất nguy hiểm cho thai và [...]

SUY THAI CẤP TÍNH TRONG CHUYỂN DẠ

Suy thai cấp tính là một tình trạng đe dọa sinh mạng thai, sức khỏe [...]